Đầu vào nhân tố (factor inputs) là gì ?

1. Đầu vào nhân tố là gì?
Trong kinh tế học, đầu vào nhân tố là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến. Vậy, đầu vào nhân tố được hiểu là gì? Theo các nghiên cứu, đầu vào nhân tố (tiếng Anh là factor inputs) là các nhân tố sản xuất (ví dụ như tư bản, lao động,…) được đưa vào quá trình sản xuất và kết hợp với nhau để tạo ra sản lượng.
Nhân tố sản xuất là các yếu tố đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất và bán sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp. Đất đai, lao động và vốn là các nhân tố sản xuất ban đầu được xác định bởi các nhà kinh tế chính trị đầu tiên như Adam Smith, David Ricardo và Karl Marx. Ngày nay, vốn và lao động vẫn là hai nhân tố đầu vào chính cho các quy trình sản xuất và tạo ra lợi nhuận của một doanh nghiệp.
2. Phân loại đầu vào nhân tố:
2.1. Đầu vào nhân tố biến đổi và cố định
Đầu vào nhân tố biến đổi (variable factor input) là những đầu vào nhân tố sử dụng trong quá trình sản xuất có thể thay đổi trong ngắn hạn để mở rộng hay thu hẹp sản lượng của một nhà máy có quy mô nhất định. Những ví dụ về đầu vào nhân tố biến đổi là nguyên liệu, chất đốt, điện,… Chi phí biến đổi bằng lượng đầu vào biến đổi sử dụng nhân với giá của chúng.
Đầu vào nhân tố cố định (fixed factor input) là đầu vào nhân tố không tăng hoặc giảm trong ngắn hạn. Điều này đặc biệt đúng với đầu vào tư bản của nhà máy, trang thiết bị.
2.2. Đầu vào nhân tố sơ cấp và thứ cấp
Đầu vào nhân tố sơ cấp là đất đai, lao động (khả năng làm việc) và hàng hóa vốn. Đất đai không chỉ bao gồm địa điểm sản xuất mà là tài nguyên thiên nhiên trên hoặc dưới đất. Các đầu vào nhân tố sơ cấp tạo thuận lợi cho sản xuất nhưng không trở thành một phần của sản phẩm (như với nguyên liệu thô) và cũng không bị biến đổi đáng kể bởi quá trình sản xuất (như với nhiên liệu dùng cho máy móc điện). Gần đây có sự tách biệt giữa khái niệm nguồn nhân lực và lao động.
Vật liệu và năng lượng được coi là đầu vào nhân tố thứ cấp trong kinh tế học cổ điển bởi vì chúng thu được từ đất đai, lao động và vốn.
3. Các nhân tố sản xuất
Hiện nay, các nhân tố sản xuất bao gồm: đất, lao động, vốn hiện vật, và năng lực kinh doanh. Luật Minh Khuê sẽ lấy ví dụ về từng nhân tố một để quý bạn đọc hiểu rõ:
+/ Về đất
Đất có thể có nhiều hình thức khác nhau, từ đất nông nghiệp đến bất động sản thương mại đến các tài nguyên có sẵn từ một mảnh đất cụ thể.
Ví dụ: Tài nguyên thiên nhiên như dầu và vàng có thể được khai thác từ đất và tinh chế để tiêu thụ; Trồng trọt hoa màu trên đất của nông dân làm tăng giá trị và lợi ích của nó.
+/ Về lao động
Lao động đề cập đến nỗ lực của một cá nhân để đưa sản phẩm hoặc dịch vụ ra thị trường.
Ví dụ: Công nhân xây dựng khách sạn là một phần của lao động cũng như nhân viên phục vụ hoặc nhân viên lễ tân; Trong ngành công nghiệp phần mềm, lao động là các nhà quản lí dự án và phát triển việc xây dựng sản phẩm cuối cùng; Một nghệ sĩ tham gia vào việc sáng tác nghệ thuật, cho dù đó là một bức tranh hay một bản giao hưởng cũng được coi là lao động.
Đối với các nhà kinh tế chính trị thời kỳ đầu, lao động là yếu tố quan trọng của giá trị kinh tế. Công nhân sản xuất được trả tiền cho thời gian và nỗ lực của họ, trong đó, tiền lương phụ thuộc vào kĩ năng và quá trình đào tạo của họ. Lao động của một công nhân ít học và không được đào tạo thường được trả với giá thấp. Công nhân lành nghề và được đào tạo được gọi là nguồn nhân lực (human capital) và được trả lương cao hơn vì họ mang lại nhiều của cải vật chất hơn.
+/ Về vốn hiện vật (Physical capital)
Trong kinh tế, vốn thường đề cập đến tiền. Nhưng tiền không phải là một yếu tố sản xuất vì nó không liên quan trực tiếp đến việc sản xuất hàng hóa hay dịch vụ. Nó được sử dụng trong qui trình sản xuất bằng cách cho phép doanh nghiệp mua hàng hóa, đất đai hoặc trả lương.
Là một yếu tố của sản xuất, vốn đề cập đến việc mua hàng hóa bằng tiền để phục vụ sản xuất. Ví dụ, một máy kéo mua để sản xuất nông nghiệp là vốn; bàn ghế được sử dụng trong một văn phòng cũng là vốn. Điều quan trọng là phải phân biệt vốn cá nhân (personal capital) và tư nhân (private capital) trong các yếu tố sản xuất. Một phương tiện cá nhân được sử dụng để đi lại phục vụ mục đích cá nhân không được coi là yếu tố sản xuất hay tư liệu sản xuất. Nhưng một chiếc xe thương mại được sử dụng rõ ràng cho mục đích kinh doanh được coi là một yếu tố sản xuất.
Trong thời kì kinh tế bị suy thoái hoặc khi họ bị thua lỗ, các công ty đã cắt giảm chi tiêu vốn để đảm bảo lợi nhuận. Tuy nhiên, trong thời kỳ mở rộng kinh tế, họ đầu tư vào máy móc và thiết bị mới để đưa sản phẩm mới ra thị trường.
+/ Về năng lực kinh doanh
Năng lực kinh doanh là yếu tố kết hợp tất cả các yếu tố sản xuất khác vào sản phẩm hoặc dịch vụ cho thị trường tiêu dùng.
Ví dụ, Tập đoàn Starbucks (SBUX), chuỗi cà phê bán lẻ cần tất cả bốn yếu tố sản xuất: Đất đai (bất động sản ở các thành phố lớn cho chuỗi cửa hàng cà phê), vốn (máy móc để sản xuất và phân phối cà phê), và lao động (nhân viên tại cửa hàng bán lẻ). Người sáng lập công ty (Howard Schulz) là người đầu tiên nhận ra rằng thị trường cho một chuỗi đã tồn tại và ông đã tìm ra mối liên hệ giữa ba yếu tố sản xuất khác.
4. Một số thuật ngữ liên quan khác:
Thứ nhất, sản xuất hàng hóa.
Sản xuất là quá trình kết hợp các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị,… để tạo ra hàng hóa hay dịch vụ để sử dụng, trao đổi hay nhằm mục đích thương mại; Sản xuất hàng hóa là kiểu tổ chức kinh tế mà trong đó sản phẩm được sản xuất ra không phải là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của chính người trực tiếp sản xuất ra nó mà là để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người khác, thông qua việc trao đổi, mua bán;
Thứ hai, sản lượng.
Theo Từ điển Kinh tế học của Đại học Kinh tế quốc dân, sản lượng hay đầu ra (output) là hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra bằng cách kết hợp các đầu vào nhân tố. Trong bảng cân đối liên ngành, người ta thường gọi với cái tên là sản lượng là đầu ra;
Thứ ba, cung và cầu.
Cung là biểu thị nhưng lượng hàng hóa hay dịch vụ mà người bán có khả năng sẵn sàng bán ở các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định (với các yếu tố khác không đổi). Quy luật cung: Khi giá cả của các hàng hóa tăng lên thì lượng cung cũng tăng (trong điều kiện các yếu tố khác là không đổi). Cung bao gồm cung thị trường và cung cá nhân, cung thị trường là cung của toàn bộ thị trường và bằng tổng cung cá nhân. Ngoài giá cả của hàng hóa thì cung chịu sự chi phối của các nhân tố: công nghệ, giá cả các yếu tố sản xuất, các kỳ vọng, sự điều tiết của Chính Phủ,…
Cầu của một hàng hóa dịch vụ là số lượng của hàng hóa và dịch vụ đó mà người tiêu dùng sẵn lòng mua tương ứng với các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian xác định. Quy luật cầu: Khi giá hàng hóa tăng lên (trong điều kiện các yếu tố khác không đổi) thì lượng cầu mặt hàng đó sẽ giảm xuống. Cầu bao gồm cầu cá nhân và cầu thị trường. Cầu  thị trường là cầu của tất cả mọi người trong thị trường và bằng tổng các cầu cá nhân (theo từng mức giá).Trên thị trường có rất nhiều yếu tố tác động đến cầu ngoài giá cả hàng hóa thì còn có các nguyên nhân sau: Thu nhập, sở thích của người tiêu dùng, giá cả của các loại hàng hóa có liên quan (hàng hóa thay thế và hàng hóa bổ sung), các kỳ vọng, dân số,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *