Hiện nay, ngành giải trí tại Việt Nam không ngừng phát triển lớn mạnh hơn và kèm theo đó là những công ty quản lý nghệ sĩ được thành lập ngày một nhiều hơn. Công ty quản lý nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo và xây dựng hình ảnh cho những ca sĩ, diễn viên, nhóm nhạc,… giúp họ tạo ra những sản phẩm chất lượng và trở nên nổi tiếng. Vậy thành lập công ty quản lý nghệ sĩ năm 2023 như thế nào? Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Khuê sẽ đưa ra những thông tin liên quan về thủ tục thành lập công ty quản lý nghệ sĩ theo quy định mới nhất.
I. Khái niệm công ty quản lý nghệ sĩ:
Công ty quản lý nghệ sĩ là loại hình công ty hoạt động trong lĩnh vực giải trí, tham gia quản lý và xây dựng hình ảnh ca sĩ, nhóm nhạc, diễn viên,… một cách chiến lược, bài bản. Công ty quản lý thường đại diện cho nghệ sĩ của công ty mình quản lý lịch trình công việc, sắp xếp các hợp đồng quảng cáo, quản lý tài chính và các vấn đề pháp lý liên quan.
Các công ty quản lý đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thị trường giải trí Việt Nam. Các công ty quản lý đã đào tạo và cho ra đời những nghệ sĩ tên tuổi, những nhóm nhạc, diễn viên,… thành công cả trong và ngoài nước. Các công ty quản lý nghệ sĩ có thể hoạt động độc lập hoặc là một phần của một công ty giải trí lớn.
2. Thủ tục thành lập công ty quản lý nghệ sĩ:
2.1. Ưu điểm và nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp
Để thành lập công ty quản lý nghệ sĩ theo đúng trình tự, cần phải chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp. Hiện nay có 4 loại hình doanh nghiệp phổ biến trên thị trường doanh nghiệp bao gồm:
- Công ty TNHH hai thành viên trở lên
- Công ty Cổ phần
- Công ty Hợp danh
- Doanh nghiệp tư nhân
Với mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những đặc điểm và quy định riêng. Vì vậy để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, cần phải tìm hiểu rõ những quy định trong Luật Doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ đưa ra những ưu điểm và nhược điểm của từng loại hình doanh nghiệp để Quý khách hàng có thể lựa chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của mình.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên
+ Các thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên chỉ cần chịu trách nhiệm về khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài sản trong phạm vi số vốn góp. Điều này giúp hạn chế được tối đa rủi cho chủ đầu tư.
+ Khi thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên chỉ cần có 2 thành viên tiến hành góp vốn.
+ Việc chuyển nhượng vốn góp của các thành viên phải có sự đồng ý của các thành viên khác và ưu tiên chuyển nhượng cho thành viên trong công ty trước. Việc này giúp công ty kiểm soát chặt chẽ vốn góp và người góp vốn.
– Nhược điểm: Mặc dù có sự đóng góp vốn từ nhiều thành viên nhưng công ty TNHH hai thành viên trở lên không có khả năng huy động vốn từ công chúng bằng hình thức đầu tư trực tiếp.
Công ty cổ phần:
– Ưu điểm:
+ Ưu điểm nổi bật nhất của công ty cổ phần là khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
+ Các cổ đông chỉ phải chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi vốn góp nên rủi ro của các cổ đông không cao.
+ Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập nên nếu phá sản thì công ty vẫn tồn tại mà không bị ảnh hưởng.
– Nhược điểm: Với số lượng cổ đông lớn sẽ dẫn tới việc đưa ra quyết định chậm trễ và không đem lại kết quả cao. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức của công ty khá phức tạp do không giới hạn số lượng cổ đông tham gia nên việc phân chia quyền lợi dễ dẫn đến một số thành phần đối kháng nhau.
Công ty hợp danh
– Ưu điểm:
+ Có nhiều thành viên tham gia góp vốn thành lập, các thành viên góp vốn thường có mối quan hệ mật thiết với nhau
+ Ngân hàng dễ cho vay vốn và hoãn nợ. Do chế độ chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh.
+ Cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, dễ quản lý. Lựa chọn thích hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
– Nhược điểm: Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn nên mức rủi ro của các thành viên hợp danh là rất cao. Tất cả các thành viên đều phải chịu trách nhiệm về toàn bộ tài sản trong công ty và theo pháp luật quy định công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân.
Công ty tư nhân
– Ưu điểm:
+ Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một chủ sở hữu duy nhất nên được quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh.
+ Thủ tục, giấy tờ tiến hành thành lập doanh nghiệp tư nhân đơn giản và dễ dàng.
+ Không có tư cách pháp nhân nên doanh nghiệp tư nhân ít chịu sự ràng buộc bởi pháp luật.
– Nhược điểm: Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân làm chủ và phải chịu trách nhiệm toàn bộ bằng tài sản của mình về các hoạt động doanh nghiệp. Chủ sở hữu sẽ được hưởng toàn bộ lợi nhuận của doanh nghiệp, nhưng thua lỗ họ cũng sẽ gánh chịu một mình.
2.2. Quy trình để thành lập công ty quản lý nghệ sĩ
Bước 1: Đăng ký đầu tư
Hồ sơ chuẩn bị :
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư (theo mẫu);
– Bản sao một số giấy tờ bao gồm: Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
– Báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư;
– Hợp đồng hợp tác kinh doanh đối với hình thức đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh; Hợp đồng liên doanh đối với hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Thời gian giải quyết: 15 ngày kể từ khi Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Bước 2: Đăng ký thành lập doanh nghiệp
Hồ sơ chuẩn bị:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
– Điều lệ công ty;
– Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc danh sách cổ đông của công ty cổ phần;
– Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực:
+ Giấy Chứng minh nhân dân, hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân;
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với tổ chức và kèm theo giấy tờ chứng thực cá nhân, văn bản ủy quyền của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức;
+ Quyết định góp vốn đối với thành viên công ty, cổ đông công ty là tổ chức;
Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi công ty đặt trụ sở chính.
Thời hạn giải quyết: 06-07 ngày làm việc.
Kết quả nhận được bao gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
+ Dấu tròn công ty
+ Công bố mẫu dấu
+ Hồ sơ nội bộ công ty
+ Điều lệ công ty
Bước 3: Khắc con dấu công ty
Từ năm 2023, doanh nghiệp tự khắc dấu con dấu, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng con dấu pháp nhân của công ty.
Bước 4: Hoàn thiện các giấy tờ liên quan đến hoạt động công ty
Sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và khắc dấu công ty, doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục giấy tờ liên quan đến hoạt động công ty; kê khai thuế, bảng biển công ty,….
* Những lưu ý về bảo mật thông tin và sở hữu trí tuệ
Trong thời gian thực hiện hợp đồng, bên phía công ty quản lý phải có trách nhiệm bảo mật thông tin bao gồm: hình ảnh, video, bản thu âm, bí mật đời tư,… của nghệ sĩ mà mình quản lý. Công ty quản lý không được phép bán hay truyền thông tin ở bất kì phương tiện truyền thông nào khi chưa có sự cho phép của bên còn lại. Việc vi phạm bảo mật thông tin làm ảnh hưởng tới nghệ sĩ và phía công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường, đồng thời bên còn lại có quyền chấm dứt hợp đồng đơn phương và nhận bồi thường.